Có nhiều loại visa đi Nhật cho mục đích lưu trú ngắn hạn như du lịch, quá cảnh, thăm thân, diện hôn thê/hôn phu, thương mại,… Trong đó, visa đi Nhật Bản thăm thân có những yêu cầu khắt khe hơn. Để xin được loại thị thực này không phải là chuyện dễ dàng với nhiều bạn.
Hiểu được những lo lắng đó, dideden.com sẽ có hướng dẫn chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để xin visa thăm thân Nhật ngay dưới đây.
Thăm thân Nhật Bản – Ảnh: Sưu tầm
Những giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ xin visa thăm thân Nhật Bản
Hồ sơ là yếu tố quan trọng quyết định bạn có được cấp visa đi Nhật hay không. Đối với trường hợp thăm thân Nhật Bản, giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm:
1. Một bản đơn xin visa đi Nhật, phải ghi rõ ngày xin visa và phải có chữ ký giống với chữ ký trong hộ chiếu.
2. Ảnh visa đi Nhật kích cỡ 4,5 x 4,5 cm chuẩn phông, không mang kính (trừ khi có vấn đề về mắt, không chấp nhận kính màu), không trùm khăn (ngoại trừ lí do tôn giáo), mắt nhìn thẳng.
3. Các giấy tờ liên quan đến người bảo lãnh (mỗi loại một bản)
- Giấy bảo lãnh và danh sách người xin visa (theo mẫu)
- Giấy chứng minh thu nhập: Giấy nộp thuế (có ghi rõ thu nhập), tờ khai nộp thuế (phải có dấu đóng của cơ quan thuế Nhật Bản), hoặc giấy chứng nhận thu nhập (do cơ quan hành chính của Nhật Bản cấp).
Lưu ý:
- Không chấp nhận bảng xác nhận thu nhập do công ty cấp
- Nếu không xuất trình được các hồ sơ nói trên thì phải xuất trình bản photocopy sổ tiết kiệm ngân hàng có ghi rõ quá trình sử dụng tài khoản trong vòng 6 tháng gần nhất.
- Giấy cư trú (bản ghi toàn bộ các hạng mục cả hộ gia đình, bản gốc được cấp trong vòng 3 tháng trở lại).
- Đối với người nước ngoài lưu trú tại Nhật Bản ngoài Giấy cư trú phải có thêm bản sao hai mặt Thẻ Cư trú, và bản sao hộ chiếu (tất cả các trang gồm trang chi tiết nhân thân, trang đóng dấu xuất nhập cảnh và dấu có liên quan đến việc cho phép lưu trú).
Trường hợp đương sự xin visa tự chi trả toàn bộ chuyến đi phải chứng minh được khả năng tài chính:
- Giấy chứng nhận tài khoản ngân hàng do người xin visa đứng tên
- Giấy chứng nhận thu nhập của bản thân do cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Một bản gốc giấy lý do mời (theo mẫu quy định)
Giấy này bắt buộc phải có, ngay cả trường hợp không cần giấy bảo lãnh. Phần ghi người mời phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, sau tên phải có dấu đóng.
Phải ghi rõ cụ thể tất cả các nơi viếng thăm tại Nhật Bản và nội dung các hoạt động, không được ghi chung chung như “thăm thân nhân” mà phải ghi rõ quá trình đưa đến việc bảo lãnh, các hoạt động và các nơi viếng thăm.
Lâu đài Himeji là một trong những điểm đến thu hút nhất ở Nhật Bản – Ảnh: Sưu tầm
6. Một bản chương trình lưu trú (theo mẫu quy định)
Phải ghi rõ ngày giờ đến Nhật, ngày giờ về, số chuyến bay, sân bay và chương trình hoạt động phải rõ ràng, phải ghi rõ địa chỉ lưu trú (địa chỉ, số điện thoại).
Chương trình lưu trú phải thống kê cụ thể từng ngày, tuy nhiên trường hợp các hoạt động liên tục giống nhau thì ở phần ngày tháng năm có thể ghi: Từ ngày/tháng/năm… đến ngày/tháng/năm…
Lưu ý: Chương trình lưu trú phải được viết bởi người mời hoặc người bảo lãnh tại Nhật Bản.
Những lưu ý khi nộp hồ sơ xin visa đi Nhật Bản
Dịch vụ làm visa chất lượng tại Đi Để Đến mách bạn những lưu ý khi xin visa sau:
- Hồ sơ xin visa đi Nhật Bản sẽ không được tiếp nhận khi có thiếu sót.
- Thời gian nộp đơn xin visa Nhật Bản từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu.
- Hồ sơ sau khi tiếp nhận sẽ được cấp biên nhận hồ sơ, bạn giữ lại để lấy kết quả visa.
- Tùy vào đối tượng, mục đích nhập cảnh mà cán bộ Lãnh sự có thể yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ.
- Bạn nên book vé máy bay đi Nhật có khứ hồi để bổ sung thêm vào lịch trình chuyến đi để tăng độ tin cậy.