Để có một bộ hồ sơ xin visa đi Nhật Bản được đánh giá cao, đương đơn phải hết sức chú ý những quy định riêng biệt cho từng loại giấy tờ, đảm bảo đầy đủ, chính xác. Bạn có thể bị từ chối cấp visa đi Nhật Bản nếu xảy ra thiếu sót trong công tác chuẩn bị giấy tờ.
Hồ sơ xin visa đi Nhật Bản thăm thân
Hồ sơ là yếu tố then chốt quyết định bạn có được cấp visa đi Nhật hay không. Dưới đây sẽ là những giấy tờ bắt buộc khi xin visa đi Nhật Bản cho mục đích thăm thân và một số lưu ý đi kèm.
Đền Futarasan – Ảnh: Sưu tầm
1. Một mẫu đơn xin visa đi Nhật Bản, phải ghi rõ ngày xin visa và phải có chữ ký giống với chữ ký trong hộ chiếu.
2. Hộ chiếu bản gốc còn hạn theo quy định.
3. Ảnh visa đi Nhật kích cỡ 4,5 x 4,5 cm chuẩn phông, không mang kính (trừ khi có vấn đề về mắt, không chấp nhận kính màu), không trùm khăn (ngoại trừ lí do tôn giáo), mắt nhìn thẳng.
4. Các giấy tờ liên quan đến người bảo lãnh (mỗi loại một bản).
- Giấy bảo lãnh và danh sách người xin visa (theo mẫu).
- Giấy chứng minh thu nhập: Giấy nộp thuế (có ghi rõ thu nhập), tờ khai nộp thuế (phải có dấu đóng của cơ quan thuế Nhật Bản), hoặc giấy chứng nhận thu nhập (do cơ quan hành chính của Nhật Bản cấp).
Lưu ý:
- Không chấp nhận bảng xác nhận thu nhập do công ty cấp
- Nếu không xuất trình được các hồ sơ nói trên thì phải xuất trình bản photocopy sổ tiết kiệm ngân hàng có ghi rõ quá trình sử dụng tài khoản trong vòng 6 tháng gần nhất.
- Giấy cư trú (bản ghi toàn bộ các hạng mục cả hộ gia đình, bản gốc được cấp trong vòng 3 tháng trở lại).
- Đối với người nước ngoài lưu trú tại Nhật Bản ngoài Giấy cư trú phải có thêm bản sao hai mặt Thẻ Cư trú, và bản sao hộ chiếu (tất cả các trang gồm trang chi tiết nhân thân, trang đóng dấu xuất nhập cảnh và dấu có liên quan đến việc cho phép lưu trú).
Trường hợp đương sự xin visa tự chi trả toàn bộ chuyến đi phải chứng minh được khả năng tài chính:
- Giấy chứng nhận tài khoản ngân hàng do người xin visa đứng tên
- Giấy chứng nhận thu nhập của bản thân do cơ quan có thẩm quyền cấp.
5. Một bản gốc giấy lý do mời (theo mẫu quy định)
- Giấy này bắt buộc phải có, ngay cả trường hợp không cần giấy bảo lãnh. Phần ghi người mời phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, sau tên phải có dấu đóng.
- Phải ghi rõ cụ thể tất cả các nơi viếng thăm tại Nhật Bản và nội dung các hoạt động, không được ghi chung chung như “thăm thân nhân” mà phải ghi rõ quá trình đưa đến việc bảo lãnh, các hoạt động và các nơi viếng thăm.
6. Một bản chương trình lưu trú (theo mẫu quy định)
- Phải ghi rõ ngày giờ đến Nhật, ngày giờ về, số chuyến bay, sân bay và chương trình hoạt động phải rõ ràng, phải ghi rõ địa chỉ lưu trú (địa chỉ, số điện thoại). Bạn nên book vé máy bay đi Nhật Bản cũng như khách sạn (nếu cần) để có thông tin về thời gian, địa chỉ lưu trú.
- Chương trình lưu trú phải thống kê cụ thể từng ngày, tuy nhiên trường hợp các hoạt động liên tục giống nhau thì ở phần ngày tháng năm có thể ghi: Từ ngày/tháng/năm… đến ngày/tháng/năm…
Lưu ý: Chương trình lưu trú phải được viết bởi người mời hoặc người bảo lãnh tại Nhật Bản.
Làng lịch sử Shirakawa-go và Gokayama – Ảnh: Sưu tầm
Thời gian xin visa đi Nhật Bản
- Thời gian xét duyệt hồ sơ xin visa đi Nhật Bản thông thường mất 1 tuần làm việc. Sau khi xét duyệt hoàn tất bạn sẽ nhận được thông báo qua điện thoại.
- Không có dịch vụ làm visa khẩn, xét nhanh (trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo).
- Bạn sẽ không được giải thích bất cứ gì liên quan đến kết quả xét duyệt.
- Trường hợp visa đi Nhật Bản bị từ chối thì trong vòng 6 tháng người xin visa không được nộp lại hồ sơ xin visa cho cùng một mục đích.